Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Kịp thời cứu sống bệnh nhân bị khối u lớn chèn ép khí quản

Bị khối u lớn ở tuyến giáp chèn ép khí quản, có thể gây tắc đường thở bất cứ lúc nào, bệnh nhân 62 tuổi này đã may mắn “thoát chết” nhờ được phẫu thuật kịp thời.
Bệnh nhân là ông Vũ H.S, 62 tuổi, nhập viện tại khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ngày 31/10 trong tình trạng suy hô hấp, khó thở liên tục cả khi nghỉ ngơi, tăng lên khi nằm.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện ở vùng cổ tương ứng thùy phải tuyến giáp của bệnh nhân có một khối mật độ rắn chắc kích thước khoảng 6x7cm. Hình ảnh cắt lớp vi tính CT ngực cho thấy, trung thất có một khối u thùy phải tuyến giáp kích thước 48x7x42.1x57.8 mm, đè đẩy và xâm lấn khí quản ngang mức gây hẹp gần hết lòng khí quản (> 90%) , đoạn hẹp nhất có kích thước khoảng 2.3mm, khối xâm lấn một phần trung thất trên, đè đẩy động mạch cảnh trong bên phải.
Đây là một trường hợp khó và phức tạp. Tính mạng bệnh nhân luôn trong tình trạng bị đe dọa do một đoạn dài khí quản rất hẹp, chỉ cần kích thích tăng tiết đờm dãi, phù nề là bệnh nhân có thể bị tắc hoàn toàn đường thở.

khoi u 1
Hình ảnh hẹp khí quản do khối u tuyến giáp di căn ở bệnh nhân Vũ H.S.
Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn cho bệnh nhân với sự tham gia của nhiều chuyên khoa như: Phẫu thuật lồng ngực, chẩn đoán hình ảnh, nội hô hấp, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, hóa trị, xạ trị… sau hội chẩn, các bác sĩ thống nhất bệnh nhân cần được phẫu thuật giải phóng đường thở, cố gắng lấy hết khối u đồng thời cắt đoạn khí quản bị xâm lấn nối tận tận kết hợp xạ trị sau mổ.
TS. Nguyễn Minh Lý, Chủ nhiệm Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, khó khăn lớn nhất trong trường hợp này là công tác gây mê hồi sức, đảm bảo thông khí trong và sau phẫu thuật, nguy cơ thiếu oxy trong mổ, suy hô hấp sau mổ và tiên lượng sẽ phải mở khí quản vĩnh viễn nếu không giải quyết được nguyên nhân.
Theo TS. Lý, với các trường hợp hẹp khí quản trên 90%, để đảm bảo thông khí trong mổ trên thế giới thường áp dụng phương pháp chạy tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên đây là phương pháp khá phức tạp, tốn kém và cũng đi kèm nhiều nguy cơ. Kíp phẫu thuật đã thảo luận, cân nhắc và đưa ra nhiều phương án để đảm bảo an toàn gây mê và thông khí cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật ngày 3/11 do TS Trần Trọng Kiểm, Chủ nhiệm khoa Ngoại lồng ngực và TS Nguyễn Minh Lý trực tiếp thực hiện. Sau khi cho bệnh nhân thở oxy 100%, tiêm thuốc ngủ và giảm đau để tự thở, các bác sĩ đã cho đặt thử ống nội khí quản số 5,5 Fr nhưng thất bại, tiếp tục chọn catheter cỡ nhỏ 3,5 Fr luồn qua chỗ hẹp thành công và chuyển phương pháp thông khí cao tần với oxy 100%, tần số 150 – 200 lần/ phút. Trong suốt quá trình phẫu thuật huyết động bệnh nhân hoàn toàn ổn định, SpO2 100%. Xét nghiệm khí máu được làm sau 15 phút, 30 phút thông khí cao tần cho kết quả trong giới hạn bình thường.
khoi u 2
Sau mổ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Trải qua hơn 3 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được lấy bỏ hoàn toàn khối u, cắt bỏ đoạn khí quản bị xâm lấn dài 4 cm, nối khí quản tận tận, giảm đau sau mổ toàn thân đa phương thức. Sau mổ 45 phút theo dõi, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, tự thở tốt, các bác sĩ đã quyết định cho bệnh nhân tập thở, rút ống nội khí quản ngay tại phòng mổ.
Sau 12 giờ nằm theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân đã được chuyển về khoa phẫu thuật lồng ngực điều trị trong tình trạng hết khó thở, nói được, hô hấp và huyết động ổn định.
BS Lý cho biết, hẹp khí quản là bệnh lý hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nguyên nhân thường gặp do đặt ống nội khí quản dài ngày, sau mở khí quản, do khối u tại chỗ chèn ép hoặc di căn, do bỏng, lao hoặc viêm nhiễm... Việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chỉ có phẫu thuật mới giải quyết triệt để. Tại Việt Nam, phẫu thuật cắt nối khí quản chỉ mới được triển khai tại một số bệnh viện. Từ năm 2007 BVTWQĐ108 đã triển khai kỹ thuật này và cho đến nay đã có hàng trăm ca mổ thành công, trong đó hơn 20% là các trường hợp hẹp khí quản trên 90% gây khó thở nặng. Phương pháp thông khí áp lực dương ngắt quãng đầu ngoại vi được sử dụng là chủ yếu, tuy nhiên với các trường hợp hẹp nặng thông khí cao tần qua catheter cho kết rất khả quan, mang đến nhiều cơ hội cho những bệnh nhân mắc chứng bệnh hẹp khí quản do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nguồn: sưu tầm